Tuesday, October 31, 2023

Công bằng cơ hội trong giáo dục

 

Cần phải có luật, có những chính sách, và quan trọng là vai trò điều tiết của Nhà nước để làm giảm sự bất công vốn có trong xã hội bằng cách tạo ra công bằng cơ hội trong giáo dục. 

 Cả đất nước đang trong mùa nóng tuyển sinh, nhất là tuyển sinh vào lớp 10, với những điểm cực nóng như ở Hà Nội. Hiện trạng thiếu trường lớp cộng với văn hóa điểm số làm cho cả phụ huynh và học sinh vô cùng khốn khổ. Giáo dục trở thành một trường đua căng thẳng, bát nháo và đầy bất công. Không biết có nơi nào trên thế giới mà phụ huynh lại phải xếp hàng xuyên đêm “từ 21 giờ đêm hôm trước đến trưa ngày hôn sau” (theo Báo Tuổi trẻ) để đăng ký cho con học như ở Hà Nội không? Năm nay tại thành phố này, gần 130.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9, nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập chỉ hơn 75.000, như vậy gần một nửa học sinh còn lại sẽ đi đâu? Các em sẽ phải vào trường tư, trường công tự chủ, trường bổ túc văn hóa, trường nghề hay trường đời?

 

Bất bình đẳng trong giáo dục

Hiện trạng trên đụng đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về “bình đẳng cơ hội trong giáo dục”, làm chúng ta không thấy bóng dáng của mục tiêu “giáo dục bao trùm” ở đâu.

Mỗi cá nhân là một chủ thể duy biệt xét về nhiều mặt: khả năng, tình trạng tâm thể lý, hoàn cảnh xã hội, điều kiện, môi trường gia đình… Sự khác biệt này làm nên sự duy biệt nơi từng cá thể, nhưng cũng phản ánh sự bất bình đẳng giữa các cá nhân ngay từ khi sinh ra. Một em bé sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo khó, cha mẹ có trình độ học vấn thấp, sẽ rất khác với một em bé được sinh ra trong một gia đình giàu có ở các thành phố lớn, cha mẹ có học vấn và có ý thức tốt về giáo dục con cái, đủ đầy điều kiện để gửi con vào học trong những trường chuyên lớp chọn, những trường quốc tế chất lượng… Sự bất công này vốn là bản chất của xã hội loài người, do điều kiện tự nhiên hay xã hội mang lại.

Do vậy, nếu các xã hội không làm gì để cải thiện tình hình, thì rồi xã hội không chỉ là xã hội có giai cấp, mà còn là xã hội đẳng cấp, con vua thì cứ lại làm vua, con sãi ở chùa thì vẫn miệt mài quét lá đa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con trẻ (vốn không có tội tình gì), không may mắn sinh ra trong các gia đình không có điều kiện sẽ bị kẹt cứng trong đẳng cấp của mình.

Trở lại với câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội, hơn 50 nghìn học sinh tốt nghiệp lớp 9 không được vào trường công sẽ phải vào các loại hình trường khác, trong đó phần lớn là trường tư với mức học phí chênh lệch quá cao. Học phí trường công cao nhất là 300.000/tháng trong khi học phí trường tư trung bình là 7 triệu/tháng, gấp từ 10 đến 30 lần so với trường công (theo khảo sát của báo chí), trong khi phụ huynh của các học sinh trường tư này cũng phải đóng thuế để nuôi các trường công kia. 

Vậy nên, trừ các trường hợp phụ huynh tự nguyện cho con học trường tư, thì các phụ huynh không tự nguyện, nhưng phải cho con vào trường tư hay các hình thức giáo dục khác vì không thể làm gì khác, phải chịu một sự bất công quá lớn. Vấn đề tài chính là một cản trở dẫn đến hiện trạng con em của các gia đình nghèo phải bỏ học, nhất là ở cấp 3. Theo Báo cáo năm 2022 của UNICEF về giáo dục Việt Nam, tỷ lệ trẻ bỏ học ở cấp 3 nơi các gia đình nghèo trên toàn quốc là 47% trong khi tỷ lệ này ở các gia đình khá giả chỉ là 2%1.

 

Công bằng cơ hội trong giáo dục

Các quốc gia dân chủ phát triển tin rằng, công bằng cơ hội trong trường học góp phần tạo ra công bằng trong xã hội. Tạo ra công bằng cơ hội không phải là cào bằng, triệt tiêu tính duy biệt nới từng cá thể, không phải là đặt tất cả các cá thể khác nhau trước cùng một vạch xuất phát và yêu cầu mọi người phải đến cùng một đích như kiểu thi cử thường thấy ở Việt Nam. Hay cần một lực lượng cách mạng nào đấy để lấy đi thế mạnh của các cá nhân mạnh, mà cần một Nhà nước phúc lợi tạo ra các chính sách để những cá nhân yếu thế cũng có cơ hội thành công, cũng có thể phát triển tối đa các khả năng của bản thân.

Muốn làm điều này một cách chân thành và tử tế, trước hết nhà trường và chính quyền “liên ngành” phải tiếp cận với sự bất bình đẳng gắn liền với từng cá nhân sớm nhất, thậm chí là khi em bé vừa mời chào đời. Một em bé mang khuyết tật bẩm sinh, hay có những khó khăn tâm thể lý, một em bé sinh ra trong một gia đình nghèo khó về vật chất cũng như tình thần, thì cần được kèm cặp, hỗ trợ sớm nhất để em bé đó có cơ hội phát triển như những em bé lành lặn, khỏe mạnh và đầy đủ điều kiện khác. Hay nói cách khác, em bé không may này không phải bị kẹt cứng trong những rào cản từ gia đình, xã hội riêng của em.

 

Một lối đi

Ở đây tôi không có ý chê bai các trường tư, sự hiện diện của các trường tư rất cần thiết và hầu hết các quốc gia đều có. Sự hiện diện của các trường tư góp phần làm phong phú hệ thống giáo dục và giúp chia sẻ với nhà nước công việc giáo dục. Thế nhưng không nên để trường tư như một lựa chọn sau cùng và kèm với đó là gánh nặng học phí của các gia đình, mà là một lựa chọn chủ động, là sự thực hiện quyền lựa chọn của người dân trong một xã hội dân chủ.

 

Nghĩa là nhà nước nên tạo ra một tình trạng “trăm hoa đua nở” trong giáo dục với sự tham gia của nhiều thành phần từ tư nhân, từ các hội đoàn, tổ chức tôn giáo và để người dân thực hiện quyền lựa chọn. Nhiệm vụ của nhà nước là theo chân từng em nhỏ để hỗ trợ về kinh phí cũng như các mặt khác. Trường nào tử tế, chất lượng (không phân biệt công hay tư) thì sẽ thu hút được nhiều học sinh và như vậy cũng sẽ thu hút được nhiều tiền đầu tư của nhà nước để phát triển, khẳng định uy tín, nhãn mác của trường mình; ngược lại những trường không chất lượng sẽ phải tự đào thải vì không thu hút được “khách hàng”.

Để đảm bảo quyền được giáo dục một cách công bằng cho học sinh, chúng ta có thể học tập một số mô hình hỗ trợ học sinh học trường tư thục ở các nước phát triển.

Cơ chế quản lý theo mô hình thị trường nên được áp dụng để làm sinh động và thúc đẩy các trường phát triển. Cơ chế thị trường học đường này không phải được điều tiết bằng giá cả, bằng tiền bạc như trong thị trường kinh tế mà được điều tiết bởi chất lượng đào tạo và dịch vụ của các trường và kèm theo là sự lựa chọn của người dân. Nghĩa là phụ huynh phải có quyền lựa chọn trường lớp cho con, và sự lựa chọn của họ dựa trên tiêu chí chất lượng sẽ là yếu tố điều tiết chính trong thị trường học đường. Đây là khuynh hướng cải cách của nhiều nước trên thế giới hiện nay, chẳng  hạn như ở Bỉ và Pháp.

Tôi có một gia đình người quen ở Bỉ có con sẽ vào lớp 10 trong năm học tới, họ đã chọn trường tư cho con, nhưng không vì vậy mà họ phải trả học phí. Nghĩa là quyền lựa chọn trường tư chủ động thuộc về học sinh và phụ huynh, còn nhà nước thì phải theo sự lựa chọn của họ để trả học phí thay cho phụ huynh.

 

Ở Pháp, nơi các con tôi đang học trường tư không được miễn phí hoàn toàn như tại Bỉ, nhưng học phí không phải là gánh nặng cản trở quyền lựa chọn của người dân. Con thứ hai của tôi năm nay cũng vừa tốt nghiệp cấp 2 và năm tới đây sẽ vào trường cấp 3, cũng là trường tư. Tại trường này, học phí với những gia đình thu nhập cao là 801 Euro/năm, với những gia đình có thu nhập thấp là 681 Euro/năm. Nhà nước hỗ trợ các gia đình khoản học phí này bằng cách cung cấp học bổng cho học sinh và mức học bổng cũng tùy thuộc vào thu nhập của từng gia đình. Ngoài ra học bổng xã hội này, cứ đầu năm học, nhà nước hỗ trợ tất cả trẻ em một số tiền để các em mua cặp vỡ, quần áo đầu năm học mới, số tiền đầu năm này cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh của gia đình và độ tuổi của các con, chẳng hạn năm học 2023 – 2024 sắp tới sẽ là 434,60 Euro/học sinh đối với lứa tuổi 15 đến 18.

Ngoài các khoản trợ cấp mang tính xã hội này, các học sinh giỏi còn có thể nhận được tiền thưởng tài năng và như vậy trong nhiều trường hợp là các em thậm chí có cả tiền “lời” khi học trường tư. Còn các học sinh học trường công thì đương nhiên là hoàn toàn miễn phí.

Hà Nội thiếu trường, hàng ngàn học sinh không có chỗ học, trách nhiệm là thuộc về nhà nước và chính quyền địa phương. Theo tôi, trong hoàn cảnh này, nên thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp hay các tôn giáo tham gia vào sự nghiệp giáo dục, trong khi chính quyền có trách nhiệm chưa xây kịp các trường công thì có thể gửi các cháu qua các trường tư, nhưng không phải phó mặc. Nhà nước phải cung cấp các phương tiện cho các em như học sinh các trường công, đặc biệt là học phí, để dù các em học trường tư hay trường công thì vẫn được đảm bảo quyền lợi công bằng, các em vẫn có cơ hội như nhau trong việc học tập và phát triển bản thân. Dĩ nhiên các trường tư sẽ phải thu học phí để tồn tại và phát triển, nhưng nhà nước phải hỗ trợ học phí (hoàn toàn hay một phần tùy theo thu nhập của từng gia đình) cho các em thay cho các gia đình vì đó là quyền lợi, là sự công bằng cơ hội trong giáo dục.

Tôi nghĩ, đây là một lối đi phù hợp, đúng chức năng, đúng việc, đúng quyền lợi của mỗi chủ thể trong giáo dục để thực hiện một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh thực sự.□
——
1 UNICEF, Viet Nam Education Fact Sheets / 2022, tr. 20

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng, ngày 22/07/2023

Dạy học tích hợp ở Pháp như thế nào?

 Nguyễn Khánh Trung

Bộ Giáo dục Pháp đã ban hành các văn bản hướng dẫn với những nội dung nền tảng, tổng quát liên quan đến việc tích hợp các cụm môn học với nhau theo từng cấp lớp, với các chuẩn kiến thức và kỹ năng...nhằm giúp các giáo viên dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị và tiến hành các chương trình giảng dạy.

 

Áp dụng thí điểm và có nghiên cứu tác động

Pháp bắt đầu thí nghiệm giảng dạy tích hợp với chương trình tích hợp môn khoa học và công nghệ (EIST) tại khối lớp 6 và 7 từ năm học 2006 - 2007 với 19 trường trung học cơ sở tham gia ban đầu một cách tự nguyện. Năm học 2007 - 2008 có 38 trường tham gia và những năm sau đó có 200 trường tham gia. Năm 2016, Pháp thực hiện cải cách giáo dục, và việc giảng dạy tích hợp liên môn được chính thức đưa vào chương trình giáo dục quốc gia áp dụng trên toàn quốc.

Sau những năm đầu thực hiện, Bộ Giáo dục Pháp đã làm các nghiên cứu và công bố các báo cáo chi tiết về hiệu quả của hình thức giảng dạy này. Đa số các giáo viên tham gia nghiên cứu đã đánh giá cao trong nhiều khía cạnh, chẳng hạn: hình thức giảng dạy này làm tăng sự quan tâm, kích thích động lực, giúp học sinh tự chủ hơn, cải thiện khả năng làm việc nhóm, học sinh cảm thấy thoải mái hơn…

Ngoài ra, hình thức giảng dạy này cũng mang đến cho các giáo viên nhiều lợi ích, chẳng hạn mở rộng sự hiểu biết, cải thiện khả năng nghiên cứu, quan sát, kỹ năng thực hiện các dự án, triển khai các chủ đề khác nhau, cải thiện mối quan hệ với học sinh, khả năng kèm cặp riêng các học sinh trong giảng dạy… so với cách giảng dạy theo từng môn.

Giảng dạy tích hợp là một sự hợp tác, kết hợp các kiến thức và kỹ năng giữa các môn học để làm cho giáo dục gần cuộc sống hơn, nên đòi hỏi các giáo viên và học sinh cũng phải có một sự hợp tác trong việc giảng dạy và học tập như bản chất sự tích hợp.

 

Bộ Giáo dục Pháp hỗ trợ giáo viên như thế nào?

Hiện nay, Bộ Giáo dục Pháp đã ban hành các văn bản hướng dẫn với những nội dung nền tảng, tổng quát liên quan đến việc tích hợp các cụm môn học với nhau theo từng cấp lớp, với các chuẩn kiến thức và kỹ năng, cách thức tổ chức và đánh giá, các nội dung, chủ đề chính nhằm giúp các giáo viên dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị và tiến hành các chương trình giảng dạy.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Pháp chỉ đưa ra những hướng dẫn, những đường hướng chung, tạo ra những chính sách khuyến khích các giáo viên, làm các nghiên cứu, đánh giá, cung cấp những hình mẫu thành công và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giáo viên chứ không chen sâu một cách chi tiết vào công việc của các giáo viên tại các trường.

Sau nhiều năm thực hiện, Bộ Giáo dục Pháp khẳng định, hình thức giảng dạy tích hợp sát với đời thực vì cuộc sống vốn là một sự tổng hợp nhiều khía cạnh, để giải quyết một vấn đề trong cuộc sống, hiếm khi chúng ta vận dụng một kiến thức chuyên ngành cụ thể nào đó mà thường vận dụng các kỹ năng và hiểu biết tích hợp từ nhiều loại kiến thức và các trải nghiệm thực tế.

Hình thức giảng dạy này thích hợp với cấp giáo dục phổ thông, giai đoạn trang bị cho các công dân tương lai các kiến thức và kỹ năng nền tảng, giáo dục các em các thái độ, trang bị cho các em vốn văn hóa cần cho cuộc sống chứ chưa đòi hỏi các học sinh đi sâu vào các lĩnh vực chuyên ngành vốn là chức năng của các cấp học cao hơn.

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân, ngày 07/09/2023

Để ngày khai giảng không bị thủ tục hóa…

Nguyễn Khánh Trung 

 (Đăng trên Thế giới và Việt Nam, ngày 05/09/2023)

 Để ngày khai giảng là một ngày vui… 

Khai giảng là ngày vui, ngày có những kỷ niệm đẹp với sự háo hức, hồi hộp khi được gặp lại bạn bè, thầy cô, trường lớp sau mấy tháng Hè của tuổi học trò… Thế nhưng học sinh hiện nay khó có thể có được những điều này vì ngày khai giảng thường không phải là ngày đầu tiên của năm học mới. Do vậy, nếu nói ngày này chỉ là “thủ tục hóa” cũng không sai. Đó là chưa kể, các nội dung, cách thức tổ chức ở một số trường thường không lấy học sinh làm trung tâm cho dù là phần “lễ” hay phần “hội”. Trong khi đó, không ít học sinh vốn đang là tuổi chạy nhảy sẽ rất mệt mỏi, uể oải khi phải ngồi yên cả giờ để nghe người lớn phát biểu diễn văn, những bản báo cáo thành tích của nhà trường. Nguyên nhân có lẽ là chúng ta còn câu nệ hình thức, công thức, câu nệ thành tích và theo thói quen tập thể, đồng loạt. Tức là, trường tổ chức như vậy vì các năm trước cũng tổ chức như vậy, các trường khác cũng tổ chức tương tự. Chúng ta chưa có một “triết lý” phía sau các hoạt động, ít ai đi tìm trả lời cho những câu hỏi, chẳng hạn, tổ chức như vậy để làm gì, cho ai, nó mang lại lợi ích gì trong chiến lược giáo dục con người? Theo tôi, phải lấy học sinh làm trung tâm khi hoạch định các hoạt động giáo dục mà cụ thể ở đây là ngày khai giảng. Các trường nên tùy vào nhu cầu của học sinh để tổ chức hay không tổ chức, tổ chức lớn hay bé, có lễ, có hội hoành tráng hay gọn nhẹ. Với các trường có điều kiện thì tổ chức khai giảng với hội hè tiệc tùng, nhưng khi đã “hội” thì từng học sinh phải có cơ hội tham gia, chứ không nên mời một ca sĩ, hay một nhóm người nào đó về múa hát mua vui mà không quan tâm gì tới ý nghĩa giáo dục. Văn nghệ học đường cũng là một hoạt động giáo dục đầy ý nghĩa khi tất cả học sinh đều được tham gia, mục đích không phải là hát hay diễn đẹp, mà để giáo dục, để các học sinh có trải nghiệm, luyện tập sự tự tin, tập ăn tập nói trước đám đông. Ở phần tiệc cũng vậy, nếu có thì trên bàn ăn không phải là bia, rượu và các món ăn của người lớn mà phải là nước uống, thức ăn của các nhân vật chính, đó là học sinh. Khi chúng ta chân thành đặt từng đứa trẻ làm trung tâm, thật lòng lo lắng cho các cháu, thì tự khắc sẽ chạm được đến từng học sinh.  

Có nhiều giá trị cần giáo dục trẻ 

 Ngày 4/9, tôi đưa con đi khai giảng về. Các trường học ở Pháp dường như không tổ chức ngày khai giảng hoành tráng, thế nhưng, buổi học đầu tiên khá đặc biệt. Hình thức phổ biến nhất là tổ chức gặp gỡ. Cổng trường ngày khai giảng mở rộng cho cả học sinh và phụ huynh. Ban giám hiệu nhà trường thường đứng ở cổng để đón mừng học sinh, nhất là các học sinh mới, chào hỏi các phụ huynh. Giáo viên chủ nhiệm sẽ đứng ở cửa từng lớp để chào đón học sinh và phụ huynh của mình. Ngày khai giảng, phụ huynh được phép đưa con vào từng lớp và ở lại để trò chuyện với giáo viên, trao đổi với các phụ huynh khác. Họ hỏi thăm nhau về kỳ nghỉ Hè, về những chuyến đi, về năm học mới, cô giáo làm quen với các học sinh mới… Ở sân trường cũng có thể có những “bàn tiệc” nhưng chủ yếu là đồ ăn thức uống của các cháu, chứ không phải của người lớn. Sự gặp gỡ kéo dài trong một thời gian ngắn và phụ huynh ra về để nhường không gian lại cho cô trò, công việc giảng dạy bắt đầu ngay sau đó. Các trường lớn hơn, chẳng hạn như trường cấp 2 thì chia ra theo từng khối lớp, quan trọng nhất là khối lớp đầu cấp, chẳng hạn 4/9 là ngày nhập học toàn quốc, nhưng các trường cấp 2 và 3 của các con tôi chỉ dành để đón các học sinh đầu cấp, học sinh các khối lớp khác sẽ nhập học luôn vào ngày hôm sau, không tổ chức nghi thức gì. Quay trở lại nền giáo dục nước ta, tôi nghĩ, có nhiều giá trị cần giáo dục thế hệ trẻ, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì nên đề cao tinh thần “thực học”. Nghĩa là, học cái gì thì học thật, học để biết, để làm được và để sống. Học chạy xe đạp thì phải chạy được xe đạp chứ không chỉ để lấy cái bằng hay để nhận được giấy khen vì thành tích mô tả được cái bánh xe mà cuối cùng không chạy được xe. Học về khoa học thì không chỉ dừng lại ở việc biết sơ sơ mà phải biết ứng dụng, biết làm khoa học, người học cần được tập tư duy như nhà khoa học. Nghĩa là, cần học đi trên con đường mà các nhà khoa học đã đi và nếu tốt hơn nữa là khai phá thêm con đường đó để góp sức với đời. Học Lịch sử, Triết học, hay bất kỳ môn nào cũng nên theo tinh thần đó. Dĩ nhiên, con đường này cũng có nhiều cấp độ, nhiều nội dung, khúc đường nào cho lứa tuổi nào thì đó là nhiệm vụ của các nhà giáo dục có trách nhiệm. Muốn tạo cho học sinh tinh thần thực học thì chính lãnh đạo, các thầy cô cũng phải có tinh thần thực học trước. Chúng ta không cần nhiều giấy khen, bằng cấp hay báo cáo thành tích mà cần những phát minh, nhà khoa học và luôn trên tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Quan trọng là làm sao để không còn bệnh thành tích, bệnh hình thức, “đồng phục” học sinh, để người học được là chính mình và phát triển được thế mạnh của cá nhân. 

 Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam

Thursday, January 20, 2022

Cần luật cấm đòn roi trong gia đình

 Nguyễn Khánh Trung

(Đăng trên Viettnamnet ngày 07/01/2022)


Muốn xây dựng một xã hội hòa bình, bớt đi bạo lực thì trước hết phải triệt tiêu bạo lực ngay trong giáo dục mà trước hết đó là giáo dục gia đình, sau đó là giáo dục nhà trường và trong môi trường xã hội nói chung.

Lời tòa soạn: Thời gian gần đây, sự việc bé gái 8 tuổi bị người tình của bố hành hạ dẫn đến tử vong khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Bên cạnh nỗi bức xúc, đòi đưa những kẻ ác độc ra trước vành móng ngựa đền tội, một số người đã đặt ra vấn đề, từ bao giờ đòn roi lại trở thành một điều "bình thường" trong mỗi gia đình. TS Nguyễn Khánh Trung (TP.HCM) gửi tới VietNamNet ý kiến về vấn đề này.

Bé gái bị bạo hành đến chết với nhiều vết bầm là câu chuyện đau lòng! Những người lớn trong nhà bé phạm tội cần phải được pháp luật trừng trị là điều đương nhiên, thế nhưng những người lớn bên ngoài gia đình, môi trường xã hội nói chung cũng không phải vô can. Đây là một tiếng chuông báo động, buộc chúng ta nhìn lại nhiều thứ.


Roi vọt và những hệ quả

Câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” phản ánh quan niệm chung về cách dạy con cái bằng bạo lực. Quan niệm đã tồn tại từ lâu và không may nó vẫn còn phổ biến trong xã hội ta hiện nay. Nhiều người Việt xem đây như là một điều bình thường, thậm chí là điều tốt để duy trì phép tắc kỷ cương trong gia đình và xã hội, một điều gì đó phản ánh đặc điểm riêng trong “văn hóa dạy con” của người Việt, nên cứ vô tư áp dụng đòn roi với con cái hằng ngày.

Theo tôi, cách dạy con kiểu này không phải là văn hóa riêng hay chung gì cả mà là một sự lạc hậu trong nhận thức gắn liền với một xã hội chưa tiến bộ. Bởi lẽ, không cứ gì ở Việt Nam mà nhiều nước cũng đã từng “cho roi cho vọt” khi dạy dỗ con trẻ. Chẳng hạn ở Pháp ngày xưa cũng đã từng tồn tại câu tục ngữ xuất hiện từ thời trung cổ “Thương nhiều, trừng phạt nhiều” (qui aime bien, chatie bien). Trừng phạt ở đây bao gồm cả việc sử dụng roi vọt trong khi dạy dỗ trẻ nhỏ.

Thế nhưng hiện nay điều này đã bị cấm, thậm chí là chỉ một cái đánh vào mông của trẻ mà các phụ huynh hay làm cũng không được phép. Điều luật (thông qua ngày 02/07/2019) cấm “sử dụng bạo lực thân thể và tinh thần” trong khi giáo dục con cái được xướng lên trong nghi thức chứng hôn tại trụ sở chính quyền địa phương và được ghi rõ trong “sổ gia đình” của các cặp đôi. Những người vi phạm có thể bị phạt 5 năm tù giam và 75 000 euros.

Trên thế giới hiện nay, đã có 63 quốc gia đã có luật chính thức và 26 quốc gia khác đã cam kết cải cách để chính thức có luật cấm mọi hình thức roi vọt đối với trẻ em. Các nước Bắc Âu có luật cấm sớm nhất: Thụy Điển (1979), Phần Lan (1983), Na Uy (1987). Đây cũng là những nước phát triển, đứng đầu thế giới về nhiều mặt, trong đó có nền giáo dục phổ thông. (https://endcorporalpunishment.org/countdown/).

Cơ sở của luật cấm đòn roi với trẻ là các nghiên cứu khóa học từ nhiều tiếp cận khác nhau. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có tới 90% phụ huynh đánh đập con cái họ, vì chính họ cũng đã là nạn nhân của roi vọt. Nghĩa là khi họ nhận được sự dạy dỗ bằng roi đòn khi còn nhỏ, thì khi đến lượt họ làm cha làm mẹ, họ lại “tái tạo” đòn roi với con cái họ, và nếu không có luật pháp can thiệp, thì rồi con họ cũng sẽ dùng đòn roi, bạo lực với cháu chắt của họ, và cứ như vậy, bạo lực kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác không những trong gia đình mà cả ra ngoài xã hội.

Xét về mặt xã hội học, có thể người “mẹ ghẻ” trong câu chuyện đánh chết bé 8 tuổi từng chứng kiến cách dạy trẻ bằng roi tròn trong môi trường xung quanh, để rồi xem việc “cho roi cho vọt” là một điều bình thường, thậm chí trở thành căn chuẩn trong việc “dạy” trẻ, tự cho mình cái quyền đánh đập trẻ em một cách tàn nhẫn. Tôi nghĩ, câu chuyện đau lòng này chỉ là một điển hình báo động một thực trạng phổ biến về nạn bạo hành trẻ em, điều gây ra nhiều tác hại cho chính các trẻ và cho cả xã hội cần phải bị loại bỏ bằng công cụ pháp luật.

Năm 2002, Tổ chức Ý tế Thế giới đã có một báo cáo về sự liên hệ giữa những bạo hành mà các cá nhân phải chịu khi còn nhỏ và các bệnh lý, các vấn đề mà những người này có nguy cơ mắc phải như: tính hung hăng, các nguy cơ về thể lý, các vấn đề về sức khỏe sinh sản, nghiện rượu, nghiện ma túy, thiểu năng trí tuệ, phạm pháp, trầm cảm, lo âu, tăng động, khó khăn trong giao tế xã hội, thất bại trong học tập, thiếu lòng tự trọng… (http://enfance-majuscule.fr/pourquoi-est-il-indispensable-d-interdire-la-fessee/).


Các hình thức bảo vệ trẻ

Muốn xây dựng một xã hội hòa bình, bớt đi bạo lực thì trước hết phải triệt tiêu bạo lực ngay trong giáo dục mà trước hết đó là giáo dục gia đình, sau đó là giáo dục nhà trường và trong môi trường xã hội nói chung. Nếu trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ, trẻ được hưởng thụ một môi trường lành mạnh, không phải chịu đựng hay chứng kiến roi vọt và các hình thức bạo hành khác, thì những công dân tương lai sẽ không có ý niệm, không có thói quen hành xử bạo lực với bất kỳ ai, cũng như sẽ phản ứng chống lại cách hành xử bạo lực của người khác, xem bạo lực như những lệch chuẩn xã hội cần loại bỏ.

Để thay đổi quan niệm và cách hành xử, tôi nghĩ Việt Nam cần có luật cấm mọi hình thức bạo lực, nhất là bạo lực thân thể đối với trẻ, những đối tượng cần được bảo vệ. Luật phạt nặng những đối tượng trực tiếp phạm tội, nhưng cũng phạt những cá nhân chứng kiến nhưng không lên tiếng, không tố cáo đối tượng phạm tội.

Tại Pháp, nhiều trường hợp bị tòa án tước quyền nuôi con chỉ vì đứa con của họ kể chuyện bị cha mẹ đánh với giáo viên ở trường.

Ở trường chỉ cần đứa trẻ kể lại, hay giáo viên phát hiện các vết bầm, hay các dấu hiệu khác về tâm lý là có thể cha mẹ của bé sẽ có vấn đề. Thường là giáo viên sẽ báo với các tổ chức bảo vệ trẻ em, tổ chức này trong nhiều trường hợp là âm thầm theo dõi, và khi đã có bằng chứng, thì một ngày đẹp trời, cảnh sát sẽ gõ cửa, các con sẽ bị đưa đi cho một nơi khác chăm sóc, và rồi cha mẹ đó phải hầu tòa tùy theo tính chất của từng vụ việc.

Mặt khác, nhà trường trang bị cho học sinh các kiến thức và các kỹ năng tự bảo vệ bản thân, các quyền mà chúng được hưởng. Học sinh nắm rất chắc về quyền của chúng, về luật bảo vệ trẻ em và biết cần làm gì khi bản thân bị bạo hành.

Trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ, đó là các quyền tự nhiên của trẻ được ghi trong Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em đã được thế giới thông qua năm 1989 trong đó có Việt Nam.

Xét về mặt giáo dục, để dạy một đứa trẻ, thì không cần kiểu “người roi voi búa”, mà cần đến sự hiểu biết, thấu cảm và sự tôn trọng. Khi cha mẹ không đe dọa, đánh đập nhưng tôn trọng, lắng nghe và tin tưởng vào con, thì cha mẹ đã tạo được một môi trường cảm xúc an toàn, để trẻ có thể sống vui vẻ, tự tin và hạnh phúc. Một đứa trẻ hạnh phúc cũng là một đứa trẻ phát triển về mọi mặt, có khả năng học hỏi tất cả mọi thứ cần thiết.

Nguồn: Vietnamnet

Ba cấp độ của sự học

 Nguyễn Khánh Trung

(Bài viết đăng trên Tạp chí Tia Sáng số 24/2021)


Học là một quá trình thụ đắc, chuyển đổi, thiết lập quan niệm mới, là bước đi trên con đường truy tìm chân lý với nhiều cấp độ. Mọi cá nhân và mọi quốc gia đều phải đi trên con đường này. Thế nhưng, cũng như trên những con đường khác, có người đi trước kẻ đi sau; có quốc gia tiến bộ và có những quốc gia lạc hậu. Theo Giordan Andre (2016), chúng ta có thể phân ra ba cấp độ của con đường học tập này.


Cấp độ 1: truyền tải - thâu nhận

Đây là cấp độ sơ đẳng nhất nhưng lại phổ biến nhất trong trường học hiện nay, đó là xem hành động học như là hành động thâu nhận thông tin. Giáo viên làm công việc truyền tải kiến thức, cung cấp thông tin, học sinh được thông tin một chiều từ giáo viên, từ sách giáo khoa, hay từ các nguồn khác trong khuôn khổ học đường.  

Mô hình truyền tải này có thể mang lại cho người học một số kiến thức, những điều mà học sinh hiểu, thấy đúng, thấy phù hợp với quan niệm của mình. Nghĩa là sự thâu nhận này kèm theo một số điều kiện: thứ nhất, người học phải có khả năng giải mã kiến thức, tức là khả năng hiểu ý nghĩa của kiến thức đó; thứ hai, kiến thức đó phải phù hợp với quan niệm sẵn có vốn đóng vai trò như bộ lọc của anh ta; và thứ ba, người học đang quan tâm về kiến thức đó hay về mảng kiến thức đó bởi chúng liên quan đến những lợi ích, đụng chạm đến những chờ đợi của anh ta. 

Hành động này cũng giống như việc chúng ta được thông tin từ việc đọc báo hay xem truyền hình, chúng ta có thể nhận được một số thông tin mới có giá trị, chúng mở rộng sự hiểu biết của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta nghe tin về sự xuất hiện của một biến thể mới của Covid 19 đang hoành hành, tên là Omicron được phát hiện tại Nam Phi. Đây là một điều mới, chúng ta thâu nhận thông tin này vì chúng ta đã hiểu về Covid 19 là gì, hiểu về biến thể là gì và Nam Phi nằm ở đâu trên địa cầu. Hơn nữa chúng ta đang quan tâm theo dõi đề tài này, bởi nó liên quan đến cuộc sống và cả sự sống của chính chúng ta. 

Thế nhưng hãy hình dung, với một người không hiểu, chưa bao giờ biết đến Covid 19, cũng không có ý niệm gì về thuật ngữ biến thể hay quốc gia Nam Phi xa xôi, thì anh ta không thể giải mã thông tin thời sự đó. Hay nếu anh ta hiểu ý nghĩa của thông tin, nhưng không hề quan tâm vì thông tin không liên quan gì đến anh ta, thì thông tin đó không có chỗ trong trí nhớ lâu dài, hay chỉ lưu lại trên bề mặt của não bộ của anh ta trong một thời gian ngắn. 

Bởi lẽ, cá nhân nhìn nhận các vấn đề, các sự kiện được thông tin thông qua những gì anh ta có, thông qua những gì anh ta là, chứ kiến thức bên ngoài không đến với người học theo một đường thẳng “khách quan” như cách của một máy ghi hình. Học sinh không bao giờ ở trong tình trạng của một “tờ giấy trắng” và giáo viên có thể ghi lên đó những gì giáo viên muốn, nhưng luôn là chủ thể, là tác giả của những gì em ấy thâu nhận được, do đó học là một quá trình thụ đắc mang tính cá nhân và mang tính phức hợp.

Nếu trong một lớp học, tất cả học sinh đều có nền tảng tốt như nhau, có một quan niệm giống nhau liên quan đến kiến thức mà giáo viên chuyển tải và có một thái độ sẵn sàng đón nhận kiến thức mới, thì giáo viên chỉ cần “trình chiếu” các kiến thức này một cách bài bản là đủ, học sinh nắm bắt và lưu chúng lại trong trí nhớ. Thế nhưng đời không như mơ, trên thực tế, một lớp học đồng đều như thế dường như không hiện hữu, kể cả các “lớp tài năng”, bởi lẽ mỗi người học là một chủ thể duy biệt xét trên tất cả các mặt. 

Còn nếu việc giảng dạy chỉ đơn thuần là hành động cung cấp thông tin, kiến thức cho số đông học sinh mặc kệ tính duy biệt nơi từng học sinh như trong các trường học hiện nay, thì giáo viên ngày nay nhìn chung, không thể cạnh tranh với các phương tiện truyền thông xét về mặt kỹ thuật, thậm chí không thể cạnh tranh được với youtube cá nhân.

Do đó, điều phổ biến xảy ra là học trò “trả chữ cho thầy” sau khi học, những kiến thức chỉ được lưu lại ở bề mặt não bộ sẽ sớm bốc hơi. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, người xem chỉ nhớ tầm 5% lượng thông tin sau khi xem một chương trình thời sự của đài truyền hình trong một thời gian ngắn (Giordan, 2016, tr 39).  Xét về mặt kỹ thuật, các thông tin trong một chương trình thời sự thường được sắp xếp bài bản bởi biên tập viên với sự góp phần của các kỹ thuật viên về âm thanh, ánh sáng, các cảnh quay được thay đổi liên tục để làm tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn người xem, nhưng kết quả của nó vẫn khiêm tốn như thế, trong khi các giáo viên làm công việc truyền tải tương tự một mình với máy chiếu, phấn trắng và bảng đen, thì việc học sinh trả chữ cho thầy cũng là điều dễ hiểu! 

Thế nhưng trường học, đặc biệt là trường học tại Việt Nam vẫn đang miệt mài làm công việc truyền tải kiến thức kiểu như thế.


Cấp độ 2: học chủ động

Người học tích cực hơn, muốn mở rộng sự hiểu biết liên quan đến điều mình đang học. Sinh viên học về một lý thuyết, thì không dừng lại ở sự hiểu biết về lý thuyết cụ thể đó, mà còn mở rộng tìm hiểu lịch sử phát triển, các nguồn ảnh hưởng, sinh viên biết ứng dụng lý thuyết đó để làm các bài tập, biết giải thích một số tình huống liên quan xảy ra trong đời sống thường nhật từ lăng kính của lý thuyết đó. Nói tóm lại, người học không chỉ giải mã được kiến thức và còn biết vận dụng chúng.

Học với một thái độ chủ động như thế là một cách tốt để thụ đắc kiến thức. Edgar Dale, tác giả của tháp học nổi tiếng (pyramid of learning) đã cho rằng người học có thể nhớ tới 90% những gì họ làm.

Trong  thực tế giảng dạy, tuy hiếm hoi, nhưng vẫn có những học sinh, sinh viên học với thái độ chủ động và tích cực như thế. Những kiến thức họ nhớ được thông qua làm, vận dụng sẽ ở lại lâu hơn trong vốn văn hóa mà họ sở đắc. 

Thế nhưng nếu các lý thuyết, các kiến thức mà người học thụ đắc đã bị vượt qua, hay với thời gian đã tỏ ra bất cập, lạc hậu thì sao? Bởi lẽ, không có lý thuyết hay quan niệm nào đúng tuyệt đối, tồn tại vĩnh viễn và có giá trị khắp nơi, kể cả các lý thuyết trong khoa học tự nhiên. Lịch sử khoa học đã chứng minh điều đó, các lý thuyết khoa học ra đời, xâm nhập, phổ biến và bị vượt qua, bị đánh đổ bởi các lý thuyết khác ra đời sau đó.

Các lý thuyết, các kiến thức chúng ta đang có, đang học là những gì đã có sẵn, với thời gian, nó có thể trở nên giáo điều, lạc hậu, có thể trở thành vật cản trở ngáng đường trên hành trình đi tìm “chân lý” của chúng ta. Bởi lẽ, khi chúng ta thực sự thụ đắc được một kiến thức, kiến thức đó sẽ là một phần trong quan niệm (conception) của chúng ta, và đến lượt, quan niệm này trở thành bộ lọc, trở thành căn chuẩn để chúng ta nhận định, phán đoán trước những thực tế khác, và trong nhiều trường hợp, chúng ta từ chối các kiến thức mới chỉ vì những điều mới này không phù hợp hay đe dọa đến sự ổn định của não trạng có sẵn của chúng ta. 

Học là một quá trình chuyển đổi quan niệm, hành trình biến đổi được ví như một sự “lột xác” về mặt tư tưởng, chứ không chỉ là chuyện thâu nhận những gì có sẵn và chỉ dừng lại trong nguyên trạng đã có. 


Cấp độ 3: Học, một sự lột xác

Đây là cấp độ quan trọng và cao nhất của sự học. Giáo sư Giordan đã sử dụng khái niệm “lột xác” (metamorphose) để mô tả sự biến đổi trong quan niệm và nhận thức của người học. Học, đồng nghĩa với một sự lột bỏ cái cũ và thụ đắc cái mới. Người học không chỉ dừng lại ở sự thụ đắc các kiến thức và biết cách vận dụng chúng, mà còn phải nhận diện những hạn chế của những gì bản thân đã thụ đắc, đã vận dụng và có khả năng tinh chỉnh, hoặc thay đổi khi những điều này tỏ ra không còn phù hợp với các thực tế và tình huống mới.

Sự lột xác này nơi cá nhân cũng như một xã hội không phải là vấn đề đơn giản bởi nó đụng chạm đến cuộc sống, đụng đến niềm tin, đến thói quen và cả đến vùng “an toàn” của cá nhân và xã hội. Hãy hình dung, chúng ta đã có một thế giới quan, một lý tưởng đẹp, mà chúng ta đã tin yêu, thậm chí là đã thề thốt, chúng ta đã dấn thân phục vụ cho quan niệm đó trong nhiều năm, nhưng rồi một ngày nào đó, chúng ta nhận ra nó sai, lạc hậu, niềm tin bị sụp đổ, những nỗ lực thực hiện được bỗng dưng trở thành vô nghĩa ! Người học dĩ nhiên là sẽ đau khổ, sẽ bị khủng hoảng, nhiều người không thể vượt qua, và như một cách phòng vệ, họ ra sức bảo vệ hiện trạng, bảo vệ quan niệm cũ, tìm cách ẩn mình trong các giá trị cũ…

Tuy vậy, vẫn có những người bứt phá vươn lên, lột bỏ quan niệm cũ, vượt lên khỏi các ràng buộc của truyền thống, của “ý thức chung”, của những điều đã được xem là hiển nhiên, để thiết lập lại nhận thức, đặt nền móng và dấn thân theo đuổi những điều mới. Đó là các nhà tư tưởng, các nhà phát minh, các nhà cách mạng, những người kiến tạo nên những nền văn hóa mới cho nhân loại, họ là những trường hợp xuất sắc, có khả năng thay đổi thế giới.

Sự lột xác lần này rồi đến lần khác là hành trình trưởng thành về nhận thức của cá nhân, và cũng là hành trình phát triển của lịch sử các khoa học trên thế giới. Chất lượng của các xã hội, của các hệ thống giáo dục là tạo ra những con người có khả năng “lột xác” như thế.

Và để có được điều này, nhà trường cần trang bị cho học sinh ngay còn tấm bé các khả năng biện luận, khả năng tư duy độc lập, thói quen và khả năng phản biện, phân định, truy xét những gì mình đang có, cũng như những điều đang hiện hữu phổ biến xung quanh. Những kỹ năng này là hết sức cần thiết, là chất lượng của người học, của các công dân tương lai, chứ không phải là khối lượng kiến thức. Những điều này là mục tiêu xuyên suốt của các hệ thống giáo dục tại các nước phát triển, được thể hiện xuyên qua từng môn học, từng hoạt động giáo dục, từng lần đánh giá. Những điều này là gốc, còn những thông tin và kiến thức cụ thể chỉ là ngọn. 

Những khả năng này không những là tối quan trọng của người học trên đường truy tìm chân lý và thay đổi bản thân, mà còn là các kỹ năng sống cần thiết trong một thế giới đầy những thông tin thật giả lẫn lộn, trong một thời đại ham chứa nhiều bất toàn như hiện nay (Edgar Morin, 2014).

Thế nhưng thật không may, cỗ máy giáo dục Việt Nam chúng ta dường như đang chạy tối đa chỉ để có được phần ngọn, chủ yếu đang làm công việc truyền tải thông tin và tạo ra những người học thụ động ở cấp độ thứ nhất như đã trình bày ! Đây có lẽ cũng là lý do mà chúng ta “Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ” như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thấy trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 vừa qua.


Tài liệu tham khảo
Giordan André, 2016. Apprendre. Paris: Belin
Bruno Hourst, 2014. J’aide mon enfant à mieux apprendre. Paris: Eyrolles
Edgar Morin, 2014. Enseigner à vivre. Paris: Play Bac.

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng

Monday, January 3, 2022

“Lần đầu tiên đến Paris một mình, lúc đó tôi mười bảy tuổi”, trao đổi với Saskia Sassen

 Tác giả: Felipe Bosch

Người dịch: Nguyễn Khánh Trung


Với cuộc phỏng vấn thứ tám này, loạt bài mùa hè Grand Tour của chúng tôi thực hiện một sự thay đổi quy mô nhằm tìm hiểu các thành phố lớn với một trong những chuyên gia lớn nhất về chủ đề này, nhà xã hội học và là nhà kinh tế học Saskia Sassen. Khởi đi từ cái nhìn của bà về Paris và Luân Đôn, bà nhận thấy sự mất dần sự thống trị của Nhà nước - quốc gia trong một kỷ nguyên mới, thời kỳ mà các thành phố có thể được đưa lên để giữ một vị trí quan trọng.

Bà sống và trải nghiệm thế nào trong hai thành phố tầm Châu Âu và Thế giới như Luân Đôn và Paris?

Saskia Sassen – Luân Đôn và Paris là hai thành phố tuyệt vời, không có nghi ngờ gì về điều đó, chúng mang những nét đặc trưng bởi phong cách quy hoạch đô thị rất đặc biệt mà chỉ Châu Âu mới có thể tạo ra được. Đó là điều gì đó thực sự nổi bật đối với tôi. Nhưng đồng thời bên cạnh đó, tôi có một phần cuộc sống không có gì lãng mạn hay đẹp đẽ cho lắm, nơi đó tôi nhìn thấy những quyết định tai hại đã được thực hiện, những lạm dụng, và cách chúng ta đánh mất một thứ gì đó từ quá khứ đã từng hoạt động tốt đối với nhiều người hơn so với những gì hiện tại.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đang rơi vào một kiểu trượt dốc của sự hiện đại. Một trong những câu hỏi hướng dẫn tôi ngày hôm nay là: làm thế nào để chúng ta tìm ra những dấu hiệu thay đổi trong một đô thị mới vốn khác với một đô thị mà chúng ta đã biết mà chúng ta không biết điều đó sẽ tốt hơn hay tệ hơn? Lịch sử dạy chúng ta rằng những thay đổi này đang xảy ra và những thế hệ mới đang nhập cuộc. Đây là một dự án khiến tôi tò mò, mặc dù với độ tuổi của mình, tôi sẽ không thể nắm bắt đầy đủ về nó. Do đó, thách thức nằm ở một số chỉ báo, nhưng những chỉ báo này là gì?

Một chỉ báo mà tôi thấy rất có vấn đề là sự thờ ơ lãnh đạm ngày càng tăng đối với toàn bộ những người đã từng hữu ích và quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta trong một quá khứ không quá xa. Những người này ngày càng ít được xem trọng hơn trên phương diện nào? Người ta ít quan tâm đến những con người hơn và quan tâm nhiều hơn đến những điều kiện chúng ta có thể tạo ra, và những khám phá trên phương diện nào? Tôi có cảm giác rằng một điều gì đó dữ dội sẽ xảy ra. Yếu tố thứ hai đối với tôi là chúng ta đã thất bại trong nhiều thế hệ để đạt được công bằng xã hội tiến bộ hơn. Ngày nay chúng ta có những người đã xoay xở để đi học đại học mặc dù xuất thân từ những gia đình dễ bị tổn thương, nhưng thường thì cuối cùng họ vẫn thất bại trong việc thực hiện dự án mà họ hình dung là họ có thể thực hiện được sau khi vào đại học. Trường đại học không còn cho phép anh ta bước sang giai đoạn tiếp theo trong cuộc đời.

Đối với tôi, thành phố luôn là một ví dụ điển hình: nó chứa trong đó sự giàu có và nghèo đói, cái tốt và cái xấu, lạm dụng và hào phóng. Trong một thành phố lớn, có rất nhiều tương tác. Thành phố vẫn là nơi mà những người dễ bị tổn thương nhất, những người bị từ chối, có thể có được một chỗ để cắm dùi về lâu dài. Vùng nông thôn quá khó khăn nếu bạn không có tiền, còn các thị trấn nhỏ có lẽ quá bị kiểm soát: vậy thì đó là thành phố lớn, nơi không bao giờ hoàn hảo, nơi mà bạn không bao giờ có thể mong đợi nó thực hiện tất cả những gì nó phải thực hiện với một loạt các lựa chọn có tính tương đối, và cuối cùng cũng có những hỗ trợ cho những người thiệt thòi nhất. Điều này khiến tôi tò mò và xem như một khả năng. Thay vì tập trung trên chuyện họ đã thất bại như thế nào, thì hãy xem họ đã xoay xở như thế nào để có một cuộc sống, ngay cả khi nó rất khiêm tốn. Và đây là điều gây ấn tượng: cách thức mà thành phố đã cho phép tất cả các thái cực mà người ta có thể tưởng tượng ra. Các thành phố vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta. Đây là những yếu tố rất không hoàn hảo, với khả năng bị ngược đãi và bất công rất lớn, nhưng cuối cùng, đây cũng là những không gian mà những người yếu thế có thể kiếm sống. Nó từa tựa như thế.

Luân Đôn và Paris thực sự là hai thành phố lớn ít đáng sợ hơn nhiều so với các thị trấn nhỏ của Mỹ, nơi người ta lo lắng nhiều về chuyện có quá nhiều người da màu, ngay cả khi những người này đã thuộc tầng lớp trung lưu lâu đời.

Tóm lại, tôi nghĩ điều ấn tượng là các thành phố trải qua một thời kỳ lâu đời nhất mà con người ta đã tạo ra. Chúng ta đã có các thành phố trong rất nhiều thế kỷ, rất lâu trước khi xuất hiện Nhà nước - quốc gia. Nhà nước - quốc gia chỉ phát huy tác dụng vào thời điểm gần đây, nếu chúng ta xét quá trình rất dài của một thành phố lớn. Mặt khác, những thành phố mang tính phức hợp nhất không phải nằm ở phương Tây của chúng ta, mà là ở phương Đông. Và đây cũng là một điều quan trọng cần tìm hiểu. Tôi đã làm việc rất nhiều ở một số nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, nơi tôi thực sự khám phá ra tất cả những câu chuyện mà chúng ta không có ở phương Tây.

Cần nhận thức về sự cần thiết vượt ra khỏi phạm vi Nhà nước - quốc gia ở mức độ thế nào?

Tất nhiên là có sự hiện hữu của các Nhà nước - quốc gia, nhưng trên thực tế, các tác nhân mạnh nhất xét về mặt phát triển một nền văn hóa và những đổi mới, không phải là các chính phủ quốc gia. Một số tác nhân xuyên quốc gia đứng sau các đổi mới và khả thể mới. Theo tôi, điều này dường như rất quan trọng. Không còn nghi ngờ gì nữa, đã có một thời kỳ mà Nhà nước - quốc gia nổi lên và trở thành một tác nhân quyền lực và quan trọng. Tôi nghĩ rằng thời kỳ như vậy sắp kết thúc. Tất nhiên, nó sẽ tiếp tục mạnh mẽ và vẫn sẽ có một số nước nơi đó chính quyền lạm dụng nó. Phân tích của tôi không phải là một phân tích mang tính lãng mạn, không hề như vậy đâu. Nhưng thật thú vị khi thấy một số tác nhân - đặc biệt là khu vực sản xuất giàu có - đang giành được chỗ đứng như thế nào, và ngày càng ít cần Nhà nước - quốc gia và các nền luật pháp của chúng hơn.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới, với những hệ thống phức hợp, và hiểu rằng việc chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới diễn ra không dễ dàng gì. Bởi vì đây không phải là một sự thay đổi hoàn toàn, không phải là một sự phá hủy toàn bộ và thay thế một bối cảnh. Đó là thứ gì đó đi vào, xâm nhập, tự thiết lập và rồi có thể thống trị. Và chúng ta đã biết điều này từ những năm 1980. Đó là một thời điểm rất quan trọng, bởi vì đó là thời điểm mà những gì truyền thống hơn - ở đây tôi đang nói về phương Tây - hơi bị choáng ngợp bởi các công ty lớn mới nổi này - nhưng không chỉ là những công ty lớn - hoạt động trên toàn cầu. Chúng sở hữu một không gian hoạt động mà quốc gia, ngay cả khi nó quan trọng, trở nên mờ nhạt. Đây là điều khiến tôi hơi ngạc nhiên: người ta không sử dụng bản đồ truyền thống nữa khi người ta cho hiển thị thiết bị mạnh thực sự. Thiết bị này được tạo thành từ một số lĩnh vực trong nội bộ các Nhà nước - quốc gia với một loạt các kết hợp.

Tuy nhiên, có một hình thức chủ nghĩa bất động, đặc biệt là về mặt tinh thần, trong việc hiểu sự vận hành của các quốc gia và ý nghĩa của việc có quyền lực. Chúng ta luôn bị mắc kẹt trong ý niệm về Nhà nước - quốc gia. Điều này ngày càng có giá trị đối với con người chúng ta, nhưng ngày càng ít quan trọng hơn đối với các tác nhân kinh tế lớn và các tác nhân siêu kinh tế khác nhau. Chúng ta dựa rất nhiều vào việc được công nhận là những người có quyền sống ở một quốc gia nhất định, nhưng trên thực tế, có một loạt các tác nhân, với kinh tế chắc chắn chiếm ưu thế, đơn giản là xuyên quốc gia và có một loạt các phương tiện xuyên quốc gia mới được kết nối với rất nhiều nơi khác mà không gặp khó khăn gì nhiều.

Đối với tôi cũng vậy, những gì chúng ta đang thấy, và đây là chủ đề thứ ba, là sự trỗi dậy của vấn đề khai thác mang tính hủy hoại. Sự khai thác mà trước đây rất dễ nhìn thấy nay đã ít hơn rất nhiều. Chúng ta phải phát triển một ngôn ngữ cho phép chúng ta nắm bắt những yếu tố này mang tính từng phần, nhưng có thể lại rất có ảnh hưởng. Lịch sử không còn là toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia. Câu hỏi đặt ra là Nhà nước - quốc gia, như những gì chúng ta đã hiểu theo lịch sử, như nó vẫn hoạt động và như chúng ta vẫn cần nó, sẽ bắt đầu hiểu ở mức độ nào, ở tầm mức chung, trong khi có những tác nhân khác quan trọng hơn nó. Đây là điều mà các thành phố hiểu, và ngay cả các làng cũng hiểu.

Đâu là những không gian trong đó có câu trả lời cho tất cả, có thể khớp nối được với nhau?

Các tác nhân rất mạnh, các công ty, các đại gia đình sở hữu nhiều quyền lực. Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào các tập đoàn lớn bởi vì sự tái tạo xã hội của chúng ta phụ thuộc vào chúng. Sau Thế chiến thứ hai, người ta càng thấy rõ ai là những tác nhân chính. Bây giờ thì điều này mơ hồ hơn một chút. Có một sự kết hợp các cơ hội và các yếu tố khiến cho một mặt, Nhà nước, cơ quan quản lý, đang mất dần tầm quan trọng, nhưng mặt khác lại trở nên quan trọng hơn, thành như một nơi ẩn náu cho toàn bộ những người đã bị đuổi khỏi cuộc sống của họ.

Tôi không biết tất cả sẽ kết thúc ở đâu, liệu có một thế lực, một yếu tố, một quyết định hay một sự kết hợp của những tình huống mà trong đó chúng ta tìm thấy một hình thức công bằng xã hội nào đó. Tôi có thể nói rằng, hiện tại, công bằng xã hội không được mạnh lắm, bởi vì đơn giản là có các tác nhân mạnh hơn. Điều này không có nghĩa là công bằng xã hội đã thất bại, mà là có một số các tác nhân cực kỳ mạnh mẽ. Đối với tôi, đây là một vấn đề khó xử lý vì mọi thứ đều bị lệch lạc. Các tập đoàn lớn này thường hỗ trợ và có thể được trình bày là rất tích cực. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang đi theo một hướng làm tôi lo lắng, với tất cả những yếu tố như chúng ta đang nói đến.

Có những yếu tố khác tích cực hơn, chẳng hạn như các thế hệ mới, những người chỉ đơn giản xây dựng khát vọng của họ xung quanh các yếu tố theo một cách rất khác. Những người trẻ không còn quan tâm đến việc sở hữu một chiếc ô tô khi họ sống ở một thành phố lớn, nơi mà vấn đề được đặt ra nhiều hơn. Nhưng, đổi lại, họ muốn đi du lịch vòng quanh thế giới. Đây là mốt sống mới. Các thế hệ mới đang thay đổi, họ điều chỉnh cấu trúc của cuộc sống hàng ngày, những gì được xem là cuộc đời tốt đẹp. Họ thay đổi các mô thức.

Châu Âu đóng vai trò trung tâm trong sự biến chuyển này?

Tôi không chắc. Chúng ta hãy quay lại một chút với quá khứ. Châu Âu khởi đầu là một trong những lục địa có tập trung dân số cao nhất, trong khi ở các nơi khác trên thế giới có ít trường hợp như thế. Châu Âu đang đối mặt với một thực tế không thể che giấu cũng không thể giết chết nó. Phương Tây đã tạo ra các mô thức mới của mình, theo một cách nào đó, thông qua công nghệ. Điều khiến tôi tò mò bây giờ là Châu Á, nơi tôi đã dành rất nhiều thời gian. Ở Châu Á, nó diễn ra như thế nào? Họ đã tạo ra những đổi mới đáng kinh ngạc, họ có những mô thức khác với chúng ta. Nhật Bản là một trường hợp cực kỳ đặc biệt về mặt này, với một mức độ thông minh và phát triển ấn tượng. Trong bối cảnh này, tôi không biết chúng ta sẽ đi về đâu.

Khi tôi cho phép mình nghĩ về điều đó, và tôi nhấn mạnh từ “cho phép bản thân”, tôi thấy một tình cảnh chia rẽ nơi mà ngày càng nhiều người sẽ phải chịu đựng. Và những gì từng là tầng lớp trung lưu khiêm tốn nhưng đầy chức năng sẽ kết thúc. Sự hiện đại của chúng ta chứa đầy những đổi mới và điều này kéo theo một lượng lớn người. Một số người sẽ rất giàu, một số khác ít giàu hơn một chút và một số khác nữa có thể không kiếm được bao nhiêu, nhưng họ có một cái gì đó. Nhưng cũng sẽ có một lớp người bị bỏ rơi, bị lãng quên, những người không còn được quan tâm, bởi vì công nghệ của chúng ta, ngay cả về mặt văn hóa, sẽ thay đổi. Tôi thấy một chức năng khá lớn của con người, với các mức độ trí tuệ, kiến ​​thc, chuyên môn khác nhau, nhìn chung sẽ tiếp tục hoạt động và khá quan trọng. Điều tôi không hiểu là ai sẽ là những người tuyệt vọng và bị loại trừ, bởi vì họ sẽ chết đói, sẽ chết vì bệnh tật, bởi vì không ai muốn họ. Có một sự tàn bạo khá đặc biệt đang diễn ra ở đây, mà lịch sử sau này sẽ không mô tả một cách tốt nhất.

Bà bắt đầu buổi trò chuyện bằng cách mô tả các thành phố, dù sao đi nữa, như là nơi những người bị loại trừ nhất tìm được không gian và bối cảnh để phát triển cuộc sống của họ. Bây giờ thì điều gì xảy ra với bức tranh mà bà vừa trình bày?

Ngày càng có nhiều người đến và tìm thấy trong thành phố nơi duy nhất họ có thể lưu trú, nơi họ có thể tồn tại nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với sự mở rộng quy mô của các thành phố. Những người nghèo nhất thường phải đi hai giờ để đến nơi làm việc. Và đó là một hiện tượng không được nhìn thấy. Đối với tôi, đây là một vấn đề bắt nguồn từ một số kiểu bực mình khó chịu không kiểm soát được mà tôi trải qua: nó đặc trưng cho việc là những ai sống trong một thành phố chỉ nói về phần tốt đẹp của thành phố. Họ có xu hướng quên rằng có những người đang chịu đựng. Những người có điều kiện thực sự đánh giá cao các thành phố. Tôi cũng yêu thành phố, nhưng chúng ta quên mất những con người phải dậy từ bốn giờ sáng mỗi ngày để đi làm. Một hình thức bạo lực lớn nhưng vô hình.

Thật đáng kinh ngạc khi con người chúng ta không để ý, không lo lắng gì về điều đó. Trong quá khứ điều này hẳn là một cách để sống sót thì mới có thể lãnh đạm đến thế. Chúng ta, những người cảm nhận nỗi đau dù nhỏ nhất, chúng ta rất nhạy cảm, nhưng đồng thời chúng ta có thể thể hiện sự thờ ơ tàn nhẫn mà tôi nghĩ nó đến từ một yếu tố căn bản là chúng ta phải tự bảo vệ mình, nếu không chúng ta sẽ không thể sống sót. Bản năng sinh tồn này ngày nay theo một kiểu khác, nhưng vẫn còn đó. Chúng ta có khả năng nghĩ đến những gì cần thiết để tồn tại. Chúng ta quên điều này quá thường xuyên. Những ai không có khả năng này phải trả giá rất cao. Và bây giờ chúng ta phân tích cái giá này dưới góc độ giàu và nghèo. Nhưng đã có lúc không phải người giàu mà là những người cầu tiến, những người can đảm là những người tạo ra sự khác biệt, chẳng hạn những người khởi xướng các nền văn hóa. Chúng ta đã có những con người như thế trên mọi lục địa, những người thực sự khởi đầu cho nền văn minh của chúng ta.

Kinh nghiệm của bà ở các thành phố như Luân Đôn và Paris về sự đối ngẫu này giữa những người bị loại trừ và những người thu lợi là gì?

Tại hai thành phố này, tôi đã thực hiện các dự án nghiên cứu và vào thời đó, tôi đã làm việc rất nhiều với những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người di cư tị nạn từ những hoàn cảnh rất phức tạp. Đó là một thời kỳ xảy ra di cư lớn. Và châu Âu là lục địa mở, không giống như Trung Quốc. Đó đã là một câu hỏi rất quan trọng đối với tôi. Tôi luôn thêm những thứ không được nhìn thấy vào phân tích của mình, những người không có nhà, nhưng biết cách che giấu sự hiện hữu của mình. Vào thời đó, hầu hết cư dân không nhận thấy đang có một thứ thay đổi. Đó là một loạt những người đến từ các quốc gia với rất nhiều vấn đề và có khả năng không được nhìn thấy. Kể từ một thời điểm nào đó, các thành phố lớn mới nhận ra rằng có những người dân không được nhìn thấy như thế.

Lần đầu tiên đến Paris một mình, lúc đó tôi mười bảy tuổi. Tôi đã sống trên đường phố, nhưng đối với tôi đó là một cuộc phiêu lưu và tôi gặp thời tiết tốt, trời không lạnh. Tôi đã học cách nhìn những gì mà người ta không nhìn thấy ban ngày. Những người dân sống về đêm, họ tụ tập, bới móc rác: cả một lối sống. Và cuối cùng các hệ thống đã phát hiện là họ tồn tại, nhưng đã có lúc điều này không được công nhận ở châu Âu. Nó thật thu hút đối với tôi.

Kinh nghiệm thú vị khác theo hướng này đã diễn ra ở Hoa Kỳ, ở San Francisco: một thành phố luôn có vẻ hoàn hảo, nhưng lại là nơi những người nghèo bắt đầu đến và ẩn náu. Và đã có một thời người ta không hiểu rằng họ hiện hữu, nhưng cuối cùng điều đó lại nổi lên rất mạnh mẽ và tạo ra một loại chấn động. Những người đánh giá tốt về thành phố không biết rằng có những người sống như thế này, những người ngủ trong công viên, nơi họ có thể không được nhìn thấy. Và khi điều này được phát hiện, mọi người bắt đầu hiểu rằng còn có một nhân loại khác.

Ở một số thành phố, bạn có thể có một số mặt hào phóng. Ở một số vùng của Hoa Kỳ, người ta được nghe rằng có một số người nghèo không có nhà cửa và chỉ biết thế. Người ta đã không nói về điều này quá nhiều. Ở một số thành phố khác, điều này đã có được phản hồi. Tôi đã sống trong nhiều thành phố để hiểu về điều này. Thật thu hút khi quan sát điều này được chấp nhận ở mức độ thế nào. Khi ngày càng có nhiều người chẳng có gì, điều này sẽ trở nên nặng nề hơn một chút đối với mọi người, một loại thói quen phản ứng mà chúng ta đã biết.

Chúng ta thực sự đã sống trong một sự thay đổi. Trong các hệ thống phức tạp, không dễ dàng gì để nhận thấy sự thay đổi này. Một phần của sự thay đổi này chính xác liên quan đến thực tế là rất nhiều người đã đánh mất thứ hạng của họ. Ý tôi là, ví dụ, khi có một người cần một chiếc áo khoác, đó đã từng được coi là một trường hợp nghiêm trọng mà bạn sẽ cố gắng giúp đỡ, cũng bởi lẽ không có nhiều trường hợp như vậy. Ngày nay, chúng ta sống trong một hoàn cảnh mà chúng ta biết rằng có hàng ngàn người đang ngủ trên đường phố vào ban đêm, nhưng chúng ta không biết làm thế nào ứng phó. Điều đơn giản nhất là bỏ qua, không nói về nó, không phân tích nó. Không nói về nó, bởi vì chúng ta không biết phải làm gì. Tôi không biết mình sẽ hành xử như thế nào nếu tôi là thị trưởng của một thành phố gặp phải tình huống như vậy. Nhưng khi điều này xảy ra ở nhiều thành phố của một quốc gia hoặc một thực thể, nó trở thành một thách thức rất lớn, vì phải công nhận rằng các quốc gia hay thực thể đó cần nhiều nguồn lực và sự hỗ trợ hơn những gì họ nhận được. Và không dễ gì để họ kiếm được nhiều hơn những nguồn lực này.

Ngoài các nguồn lực, bà có nghĩ rằng có một vấn đề giữa những người ra quyết định, trong giới tinh hoa, là phải hiểu chuyện gì đang xảy ra và làm thế nào để ứng phó với nó không?

Vâng, bạn có lý đấy. Đây là một điểm quan trọng. Chúng ta đã không đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong quá trình phát triển của mình, trong cách mà chúng ta mô tả tình hình. Điều tôi cũng thấy và nó gây ấn tượng với tôi là sự thờ ơ không chỉ tàn bạo mà còn chứa trong đó một hình thức nào đó của sự độ lượng: tốt thôi, nếu họ muốn ngủ ở đó, trên đường phố, họ làm hỏng cảnh quan một chút, nhưng cũng tốt. Ở Mỹ, điều này đã gây ấn tượng lớn đối với tôi. Lúc đầu, cảnh sát đến và phá hủy những thứ khiêm tốn mà những người này có trong các chòi lều ở California. Nhưng nó đã tạo ra phản ứng khá gay gắt từ các cảnh sát yêu cầu để cho họ yên. Ngay cả người giàu cũng nói: it’s ok.

Điều này có lẽ liên quan đến các quan niệm khác nhau về thế giới chi phối xã hội Mỹ so với các xã hội châu Âu. Khi suy nghĩ về những khác biệt quan niệm này, bà có nhận thấy sự khác biệt nào về cách tiếp nhận tác phẩm của bà bàn về thành phố thế giới tại Châu Âu và Hoa Kỳ, hoặc thậm chí giữa Pháp và Anh không?

Rất chính xác. Liên quan đến sự tiếp nhận, đã có một thời kỳ tôi đã viết và xuất bản rất nhiều. Tôi luôn ngập đầu trong công việc. Tôi đã không thể đọc hầu hết các nhận xét đã được đưa ra, các phê bình, các khen ngợi. Cũng có thể nói, đầu tôi đang bùng nổ với những ý tưởng. Đó là những gì thu hút tôi. Tôi đoán chắc mình phải hứng chịu cả đống lời chỉ trích, nhưng biết làm sao, tôi không có thời gian. Có thể một người Pháp chỉ trích tôi nhiều hơn một người Anh, cũng bởi vì truyền thống của người Pháp là luôn phải phản biện. Và biết cách phản biện cũng là một tài năng. Nhiều người Mỹ không biết cách phản biện. Họ không thích hoặc đồng ý với điều gì đó là một chuyện. Nhưng phản biện không phải là sở trường của họ. Họ không giống người Pháp. Tôi đã sống ở Pháp. Tôi đã có rất nhiều người ủng hộ tôi, những người yêu mến tôi. Tôi đã có một thời gian tuyệt vời ở Pháp và nói một thứ tiếng Pháp vừa phải. Tôi vẫn luôn kết nối, nhưng không còn nhiều như trước. Đây là một giai đoạn mới đối với tôi: có những chủ đề khác, những tình huống khác thu hút tôi.

Nguồn: Phân tích kinh tế

Đón năm mới, ngẫm về mô thức tư duy và khả năng học hỏi

 Nguyễn Khánh Trung

(Bài đang trên Tuần Việt Nam - Vietnamnet, 31/12/2021)

Thời điểm kết thúc một năm cũ là dịp để chúng ta suy ngẫm, nhìn lại quá khứ và rút ra những bài học cho tương lai.

Quá khứ là những ngày tháng đã qua, là một thực tại mà chúng ta có thể quan sát, phân tích và học hỏi. Quá khứ một cá nhân là một khoảng thời gian hữu hạn, nhưng quá khứ của một dân tộc là một dòng chảy dài hàng ngàn năm. Quá khứ là những gì đã qua, nhưng nó vẫn hiện diện trong hiện tại và ảnh hưởng trên cả tương lai.

Tương lai là điều chưa xảy ra, chúng ta không hoàn toàn chắc chắn về nó, nhưng quan sát quá khứ, chúng ta có thể phần nào đoán biết được nó, bởi tương lai sẽ không thể thoát ra hoàn toàn khỏi quá khứ.

Không cá nhân hay dân tộc nào phủ nhận được quá khứ, quá khứ là thực tế làm nên căn tính, nhân cách hiện tại của mỗi con người cũng như làm nên bản sắc, dân tộc tính, hình thành nên dáng vóc, vị trí hiện tại của một đất nước. Đúc kết của Samuel Smiles “Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tích cách, gặt số phận” có ý nghĩa xét về mặt cá nhân cũng như về mặt cộng đồng dân tộc.

Tính cách, số phận một con người hay của một cộng đồng dân tộc là hệ quả của những cách thức tư duy, hành động và thói quen đã có, được lặp đi lặp lại trong quá khứ. Nó liên quan đến môi trường gia đình, đến tình trạng giáo dục, môi trường văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị.

Như vậy, nhìn từ góc độ này, quan sát, học hỏi, suy ngẫm về quá khứ cũng là quan sát, học hỏi về chính bản thân mỗi cá nhân, về thực trạng của một đất nước trong hiện tại và cũng để đoán biết một phần của tương lai. Nó đụng chạm đến nhiều miền, nhiều lĩnh vực mà bài viết ngắn này không thể bàn hết. Ở đây, tôi chỉ nói về vấn đề mô thức tư duy và khả năng học hỏi của cá nhân và của cả xã hội.


Khả năng thay đổi

Trước bất cứ vấn đề gì, mỗi chúng ta đều sử dụng một conception (quan niệm, lối nhìn) nói theo cách của Giordan (2016), hay rộng hơn là một paradigm (mô thức tư duy, tấm bản đồ) nói theo cách của Stephen Covey (1989) để nhìn, phân tích và đưa ra một phán đoán, một ý kiến hay một ý tưởng.

Mô thức tư duy là cái ẩn sau các hành động, thái độ, lời nói của chúng ta, nó được hình thành từ tố chất của mỗi người, nhưng nó cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm từ hoàn cảnh, môi trường, giáo dục, từ quá khứ, từ đủ thứ mà mỗi người có.

Trong học thuật, một thời rất dài con người đã lý luận với mô thức cho rằng Trái đất phẳng, là trung tâm của vũ trụ, mặt trời quay xung quanh Trái đất. Mô thức này tồn tại hàng chục thế kỷ cho đến thời Galileo mới xuất hiện mô thức mới thay thế.

Mô thức mới này ngược lại với mô thức cũ, cho rằng, mặt trời mới là trung tâm, Trái đất và các hành tinh khác quay xung quanh nó. Mô thức làm nền tảng cho khoa học hiện đại này cũng đang bị đặt lại vấn đề do quan điểm về vũ trụ hiện nay thay đổi với những phát hiện mới của các nhà khoa học…

Về mặt chính trị xã hội cũng vậy, nhiều nước đang đau khổ, chậm phát triển, thậm chí đang đi lùi so với thế giới vì mô thức đứng sau đường hướng chính trị, hệ thống quản lý của xã hội đó sai, có vấn đề hoặc đã lỗi thời, trong khi khả năng học hỏi và thay đổi kém, không thể vượt qua những trở ngại.

Có thể nói, hành trình trưởng thành về mặt tư duy của một cá nhân và của một xã hội là hành trình của những đợt vượt qua, những đợt thay đổi mô thức tư duy. Trong nhiều trường hợp quan trọng, sự vượt qua phải đánh đổi rất nhiều: vật vã, kéo dài trong hàng ngàn năm với bao nhiêu sức lực và cả nhân mạng như ví dụ về Trái đất hay Mặt trời là trung tâm của vũ trụ nói trên.

Trên phương diện cá nhân cũng vậy, nhiều người không thể phát triển bản thân, lầm lỡ cả cuộc đời vì đã sở hữu một mô thức sai, họ bị kẹt cứng trong các định kiến và sự bảo thủ, không gặp được các điều kiện thuận lợi để thay đổi, hay thay đổi không đúng hướng.

Quá trình thay đổi này là quá trình học hỏi, nghiên cứu nơi mỗi cá nhân và nơi mỗi xã hội. Mỗi sự vượt qua cái cũ, mỗi khúc quanh, một sự biến chuyển thành công là một bước tiến bộ trong hành trình trưởng thành.

Nói cách khác, quá trình học hỏi, nghiên cứu là quá trình tìm cách thay đổi hay cập nhật những mô thức có sẵn của riêng cá nhân cũng như của xã hội, chứ không phải chỉ là công việc thâu nhận và duy trì những mô thức có sẵn. Khả năng thay đổi các mô thức và chất lượng của những mô thức mới được hình thành là những yếu tố quan trọng góp phần làm nên “số phận” của các cá nhân và xã hội.


Những cản trở

Con người không dễ bỏ, không dễ đổi các mô thức sẵn có của mình, vì những thứ đang có một thời đã chứng tỏ ít nhiều sự hợp lý và hữu hiệu với một số thứ, trong một giai đoạn nhất định nào đó. Não bộ của các cá nhân đã thâu nạp, đã xem đó như những căn chuẩn ổn định trong một thời gian. Trong một số trường hợp, các mô thức tư duy đã đi vào ký ức chung của xã hội, trở thành ý thức chung, thành chuẩn mực chung bền vững của xã hội.

Vì lý do này, não bộ sẽ phản ứng trước những tri thức mới, nhất là những thứ đi ngược lại với những gì đã có, vì những điều mới này đe dọa đến sự ổn định vốn có, đẩy cá nhân và xã hội vào một tình trạng mất thăng bằng. Sự mất thăng bằng này càng lớn, phản ứng lại càng giữ dội, và trong nhiều trường hợp, cá nhân và xã hội tự “đóng cửa” trước những điều mới để giữ “ổn định”, để không bị phiền toái.

Thế nhưng những mô thức có sẵn, cho dù có giá trị đến mấy trong một thời điểm và hoàn cảnh nào đó, cũng có nguy cơ trở thành là vật cản của sự đổi mới, của sự học tập và nghiên cứu.

Học là tìm cách xem lại các mô thức của mình thường xuyên và sẵn sàng thay đổi nó nếu thấy chúng không đúng, không hữu hiệu hay cập nhật, tinh chỉnh chúng nếu thấy chúng đã lỗi thời. Học hỏi, nghiên cứu là một con đường, nơi đó người học đang cố gắng tiến về phía ánh sáng, là quá trình tiến đổi liên tục, làm mới liên tục …

Học là chấp nhận đặt lại vấn đề của những gì mình đang có, không cố định, không đóng băng các mô thức của mình. Học là chấp nhận tình trạng thử thách, mất cân bằng, thậm chí là bị xáo trộn trong tư duy bởi sự xung đột, cọ xát giữa mô thức cũ và mới. Người học (cá nhân và xã hội) cũng như người trượt băng, muốn tiến về đích, cần sải chân, chấp nhận mất thăng bằng để rồi lấy lại ngay sau đó (bằng chân này rồi chân kia) mới có thể tiến về phía trước. Như vậy, sự xáo trộn, mất cân bằng trong trường hợp này là cần thiết để có thể có được sự tiến bộ.

Điều này cũng đúng với một xã hội. Một xã hội mạnh là một xã hội tích tụ được nhiều chất xám đến từ các khả năng học hỏi, nghiên cứu của các công dân của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xã hội đó không đóng băng các mô thức có sẵn, mà luôn có tinh thần mở, thường xuyên nhìn lại mình, chấp nhận có sự cọ xát, cổ súy các tranh biện xã hội để mở đường cho những điều mới mẻ xuất hiện, xâm nhập và thay thế.

Tóm lại, chúng ta không phủ nhận được quá khứ, không phủ nhận được các mô thức hiện tại đang có, những điều đã góp phần quan trọng làm nên chúng ta hiện tại. Mô thức mà chúng ta đang sở đắc là cái đã hình thành, là màng lọc, chi phối và nằm sau tất cả các ý nghĩ và hành động của chúng ta. Thế nhưng các mô thức cũ kết hợp với sự tự ái thường cấu thành những bức tường chắn sự xâm nhập của những điều mới mẻ, nhất là khi những điều này đi ngược lại với chúng.

Nhưng là con người, chúng ta có khả năng học hỏi để hiểu biết, có khả năng định vị chính những mô thức cũng như các vấn đề của bản thân và chủ động tinh chỉnh, cập nhật hay thay đổi chúng. Những khả năng này phản ánh tinh thần chủ động, cầu tiến và khả năng học hỏi nghiên cứu nơi mỗi cá nhân cũng như mỗi dân tộc. Điều này tạo thành sức mạnh giúp chúng ta tồn tại, giải quyết các vấn đề nảy sinh, và góp phần kiến tạo một tương lai của chúng ta cũng như của con cháu một cách tốt đẹp hơn.

Nguồn: Tuần Việt Nam